Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Hoa hồng tặng Mẹ ngày Giáng Sinh




Bobby cảm thấy lạnh khi ngồi ngoài sân trong lúc trời đổ tuyết như thế này. Chân nó để trần, không đi giầy; nó ghét phải xỏ chân vào giầy nhưng thật ra nó đâu có đôi nào đâu. Đôi giầy thể thao mòn đế mà nó thường mang đã bị rách lỗ chỗ, có xỏ chân vào chúng cũng không thể giữ ấm được.

Bobby ngồi co ro ở đây đã hằng giờ. Và dẫu đã moi đầu nặn óc, nó cũng không nảy ra được ý kiến hay ho nào để có được món quà Giáng Sinh cho mẹ nó. Nó lắc đầu buồn bã: “Có nghĩ ra được cũng bằng thừa. Mình kiếm đâu ra tiền để mua quà cho mẹ bây giờ”.


Từ ngày cha nó qua đời sau một tai nạn giao thông cách đây vài năm, gia đình năm miệng ăn lâm vào cảnh túng quẫn. Không phải vì mẹ nó bỏ bê, không chăm sóc. Nhưng với đồng lương ít ỏi của một lao công bệnh viện thì dù có cố gắng hết mức, bà cũng chỉ đủ tạm lo cho cái ăn cái học của mấy đứa con nhỏ côi cút mà thôi.


Nhưng bù lại, gia đình nó sống rất đầm ấm, hạnh phúc. Mẹ nó rất thương yêu bốn anh em Bobby và ngược lai, tất cả đều yêu mẹ.
Mùa Giáng Sinh này, không hiểu bằng cách nào, ba người chị gái của Bobby cũng đã có được những gói quà xinh đẹp để tặng mẹ. Nó thấy như vậy là hơi bất công! Dẫu nó nhỏ nhất nhà và sẽ không ai cười chê nếu không có quà cho mẹ, nhưng nó yêu mẹ và cũng muốn nhân dịp này để bày tỏ lòng thương yêu và biết ơn mẹ. Vậy mà, sắp đến giờ Giáng Sinh rồi Bobby vẫn chưa có được món quà nào tặng mẹ.

Quệt vội giọt nước mắt còn vương trên má, Bobby đứng lên, vung chân đá mạnh đống tuyết gần đó và rảo bước về phía phố nơi có các cửa hiệu. Đời sống của một đứa bé sáu tuổi mồ côi cha thật không dễ dàng chút nào, nhất là lúc nó cần một người đàn ông để tâm sự.
Bobby lê la từ cửa hiệu này sang cửa hiệu khác, mắt thèm thuồng nhìn vào từng cửa kiếng được trang hoàng lộng lẫy. Cái gì với nó cũng đẹp và nằm ngoài tầm tay. Bóng chiều dần tắt, Bobby miễn cưỡng quay về. Bất chợt một vật phản chiếu ánh trời tà lấp lánh bên lề đường thu hút sự chú ý của nó. Nó cúi xuống nhặt lên. Hóa ra đó là một đồng mười xu sáng bóng.

Trên đời này chắc không một ai có được cảm giác giàu có giống như cậu bé Bobby cảm thấy lúc đó. Khi cầm kho báu mới tìm thấy trong bàn tay bé bỏng, thằng bé thấy như có một hơi ấm tỏa ra khắp thân người. Nó bước ngay vào cửa tiệm đầu tiên nó bắt gặp. Thế nhưng vẻ phấn khích của nó nhanh chóng nguội lạnh khi hết người bán hàng này đến người bán hàng khác cười và bảo với nó rằng không bao giờ họ có món quà Giáng sinh nào giá mười xu cả.
Nhưng nó vẫn tin là nó có thể có được quà cho mẹ mình. Bước vào một cửa hàng bán hoa tươi, Bobby chìa đồng mười xu ra và hỏi ông chủ rằng nó có thể mua một bông hoa để làm quà tặng mẹ hay không. Ông chủ nhìn chằm chằm vào Bobby và đồng mười xu. Và rồi ông đặt tay lên vai cậu bé, ôn tồn nói:
- Cháu cứ chờ ở đây, chú xem có thể làm gì giúp cháu được không nhé!
Trong lúc chờ đợi, Bobby đưa mắt nhìn ngắm những bông hoa xinh đẹp và dù còn non nớt, nó cũng hiểu tại sao mẹ và các cô gái lại thích hoa đến như vậy.
Tiếng cửa đóng lại khi người khách cuối cùng rời khỏi cửa tiệm kéo Bobby về với thực tại. Chỉ còn lại mình nó, ông chủ đã bỏ đi đâu không biết. Bobby bắt đầu cảm thấy cô độc và sợ hãi.
Thình lình ông chủ xuất hiện. Trước đôi mắt ngỡ ngàng của Bobby là mười hai đóa hồng đỏ thắm, với cuống hoa thật dài và lá xanh thắm, cùng với các bông hoa trắng bé xíu, đã được cột lại gọn gàn bằng một cái nơ lớn màu bạc.
- Bó hoa này giá mười xu đấy chú bé! – Ông chủ nói với nó khi chìa bàn tay ra để nhận tiền. Bobby rụt rè lấy đồng mười xu đưa cho ông ta. Mình có mơ không vậy! Đã không ai bán cho nó một món quà gì với đồng mười xu này, thế mà... Như đọc được ý nghĩ của cậu bé, người chủ tiệm nói thêm:
- Chú chỉ tình cờ có một vài đóa hồng bán hạ giá thôi. Cháu có thích những bông hoa này không?
Bước ra khỏi cánh cửa đang được người chủ mở sẵn dành cho mình, Bobby còn nghe rõ bên tai lời chia tay của ông ấy:
- Giáng Sinh vui vẻ nhé con trai!



Khi ông quay vào trong, vợ ông từ phía sau nhà bước ra:
- Anh nói chuyện với ai vậy? Những đóa hồng đẹp đẽ mà anh mới bó lại đâu rồi?
Đứng nhìn ra cửa sổ, ông trả lời:
- Khi nhìn cậu bé, anh nhớ lại hình ảnh của anh ngày xưa. Lúc đó anh cũng trạc tuổi như cậu bé đáng thương ấy, không có gì để làm quà Giáng Sinh tặng mẹ mình. Tình cờ có một ông cụ râu dài, anh chẳng biết là ai, chặn anh lại trên phố và móc túi cho anh 10 đôla...
Hai vợ chồng người chủ nhìn nhau cười thật tươi và cùng bước ra đường dưới trời lạnh cóng. Thế nhưng,họ lại thấy lòng mình thật ấm áp...



(Sưu tầm)

Bàn tay của mẹ

Một thanh niên học hành rất xuất sắc nộp đơn vào chức vụ quản trị viên cho một công ty lớn. Anh ta vừa qua được buổi phỏng vấn đầu tiên, ông giám đốc trực tiếp phỏng vấn lần cuối để quyết định nhận hay không nhận.
Viên giám đốc xem xét học bạ của anh thanh niên. Tất cả đều rất tốt vì năm nào, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sinh sau đại học, anh cũng đều xuất sắc, không năm nào mà anh thanh niên này không hoàn thành vượt bực.
Viên giám đốc hỏi:
- “Anh đã được học bỗng nào của trường nào chưa?”
Người thanh niên đáp:
- “Thưa, không ạ”
Viên giám đốc lại hỏi tiếp:
- “Thế cha anh trả học phí cho anh đi học à?”
Anh đáp:
- “Cha tôi chết khi tôi vừa mới một tuổi đầu. Mẹ tôi mới là người lo trả học phí cho tôi học tập”
Viên giám đốc lại hỏi:
-“Mẹ của anh làm việc ở đâu vậy?”
Anh đáp:
- “Thư, mẹ tôi giặt áo quần cho các tiệm giặt là!”.
Viên giám đốc bảo người thanh niên đưa đôi bàn tay cho mình xem. Anh thanh niên đưa hai bàn tay mịn màng và rất đẹp của mình cho ông giám đốc xem.
Viên giám đốc hỏi:
- “Vậy từ trước nay, anh có bao giờ giúp mẹ mình giặt giũ áo quần không?”
-“Chưa bao giờ cả bỡi mẹ luôn bảo tôi phải lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi nhiều.”Người thanh niên đáp.
Viên giám đốc dặn:
-“Tôi có một việc yêu cầu anh làm, anh thực hiện được không ?”
- Gì ạ ?
-“Hôm nay khi về nhà, anh xin mẹ mình để anh lau sạch bàn tay bà và rồi ngày mai đến gặp tôi nhé . ”
Người thanh niên cảm thấy công việc này quá dễ và mình có thể làm rất tốt. Nên khi vừa về đến nhà, chàng liền thưa với mẹ để xin mẹ được lau sạch đôi bàn tay của bà. Mẹ anh cảm thấy rất ngạc nhiên nhưng vẫn sung sướng và rồi cũng buồn buồn đưa đôi bàn tay mình cho con trai.
Chàng thanh niên từ từ lau sạch đôi bàn tay của mẹ. Khi lau, nước mắt bỗng tuôn ràn rụa bỡi đây là lần đầu tiên anh mới khám phá ra rằng trên đôi tay nhăn nheo của mẹ mình đầy những vết chai, sần sùi. Những vết sần này làm bà đau nhức đến rùng mình dù chỉ được lau bằng nước sạch. Lần đầu tiên trong đời, anh thanh niên nhận thức được rằng, chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này của mẹ đã giúp anh có cái ăn cái mặc, tiền bạc tiêu xài và trả học phí cho anh đến trường qua nhiều năm rồi.
Những vết chai trên đôi bàn tay của mẹ là cái giá phải trả cho đến ngày anh tốt nghiệp, cho những xuất sắc trong học vấn và cho cả tương lai sẽ tới của anh.
Sau khi lau sạch đôi tay của mẹ, anh thanh niên lặng lẽ giúp mẹ giặt hết phần áo quần còn lại mà mẹ anh vẫn làm hằng ngày khi mang từ tiệm về.
Tối đó, hai mẹ con mới chuyện trò với nhau thật là lâu, điều mà từ trước đến giờ họ ít khi làm.
Sáng hôm sau, người thanh niên tới gặp ông giám đốc.
Viên giám đốc để ý thấy những giọt nước mắt chưa ráo hết trong đôi mắt của người thanh niên, ông hỏi:
- “Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã cảm nhận được hôm qua ở nhà mình không?”
Người thanh niên đáp:
-“Tôi đã lau sạch đôi tay của mẹ mình và cũng đã giặt hết phần áo quần còn lại mà hàng ngày mẹ tôi đã làm .”
Viên giám đốc hỏi
-“Thế cảm tưởng của anh như thế nào?”
Người thanh niên đáp:
- “Thứ nhất, bây giờ tôi mới hiểu thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn. Không có mẹ, tôi không thể có được những thành công được như bây giờ. Thứ hai, qua việc hợp tác với nhau, và qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức rằng thật là khó khăn và gian khổ để hoàn tất công việc của mẹ. Thứ ba, tôi biết ơn sự quan trọng và giá trị của quan hệ gia đình.”
Viên giám đốc nói:
- “Ðây mới là những gì tôi đang tìm kiếm nơi người sẽ là quản trị viên trong công ty của chúng tôi. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đỡ của những người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất trong cuộc đời mình. .”