Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Câu chuyện về ngày Giáng Sinh*-*-*-*-*

[Image]

LỄ GIÁNG SINH HAY LỄ NOEL LÀ NGÀY LỄ GÌ ?
 [Image]
Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Nô-el, hay Nô-en (từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta) là một ngày lễ quốc tế kỷ niệm ngày Chúa Giê-su sinh ra đời của phần lớn người Cơ Đốc giáo. Họ tin là Giê-su được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của Đế quốc La Mã giữa năm 6 TCN và năm 6.

Tại sao vào ngày lễ noel người ta lại trang trí cây noel?

Vào thế kỷ VII, nhà tu người Đức, Thánh Bonifacedax thuyết phục các tu sĩ của mình tại vùng Geismar rằng cây sồi không phải là 1 loài cây thiêng liêng. Ông đốn 1 cây sồi lớn, khi cây đổ, nó đè tan hết tất cả các cây cối xung quanh, trừ 1 cây sapin trẻ và tuyên bố sẽ gọi tên cây này là cây Chúa Hài đồng Jesus. Từ đó người ta trồng cây thông nhỏ để làm lễ Giáng sinh. Cây đó được gọi là Cây Noel lần đầu tại Alsace vào năm 1521. Năm 1560, những người theo đạo Tin Lành đã phát triển truyền thống này. Đến thế kỷ XIX, cây phát triển rất thịnh hành và đến nay, cây Noel là thứ không thể thiếu của mỗi dịp Giáng sinh.

Ông già noel cũng là hình ảnh bí ẩn .

Ông già Noel (có thể viết là Ông già Nô-en) là nhân vật đóng vai trò như là một nhân tố gắn liền với mùa Lễ Giáng Sinh, giống như cây thông Noel vậy. Hình ảnh tiêu biểu của các ông già Noel là một ông già mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng với chòm râu trắng và hai hàng ria dài, bộ mặt hóm hỉnh, tiếng cười "hô hô hô", tồn tại trong nhiều văn hoá, đặc biệt ở các nước phương Tây.
Từ đầu, người Hà Lan gọi Thánh Nicholas là Sinter Klass, sau này đọc thành Santa Claus
Trong tiếng Anh, Ông già Noel được gọi là Santa Claus (Thánh Nicolas), xuất phát từ truyền thuyết về một nhân vật có thật, sống ở thế kỷ thứ 4 tên là Nicolas.

Tiếng Pháp gọi là Le Père Noel (nghĩa là Ông cha Noel) vì liên hệ nhiều đến lễ Noel.
Còn trong tiếng Việt, do không hiểu rõ nguồn gốc, thấy hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ xuất hiện vào Noel thì gọi là Ông già Noel cho tiện. Nhiều khi còn được gọi là Ông già Tuyết.

Người ta (đặc biệt là trẻ em) cho rằng Ông già Noel sống và làm việc ở Bắc Cực, nhiều bộ phim nổi tiếng của Hollywood như The Polar Express lại càng củng cố niềm tin thơ ngây này. Các quốc gia ở Bắc Âu như: Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Iceland đều tự nhận rằng, xưởng chế tạo đồ chơi của ông già Noel nằm ở quốc gia họ. Tuy nhiên, Phần Lan lại một mực cho rằng nhà ở thực sự của ông già Noel là tại Greenland nhưng cũng nhận ông già Noel về phần mình.

Ngày nay, người ta chấp nhận thông tin: Ông già Noel là hóa thân của Thánh Nicolas ở thành Myra, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều sử gia cho rằng, hình ảnh đầu tiên về Ông già Noel xuất hiện trong một bài thơ có tên: A visit from Saint Nicholas (Chuyến thăm của Thánh Nicholas) được xuất bản năm 1823. Còn hình ảnh một ông già phúc hậu, với một bộ râu trắng dài trong bộ đồ màu đỏ có viền trắng thì xuất hiện đầu tiên trên báo vào năm 1860 qua nét bút tưởng tượng của nghệ sỹ Thomas Nast.

Nói chung là chúng ta cứ tạm coi là ông già noel đang hiện hữu mỗi mùa giáng sinh về, còn nguồn gốc thì không có ai xác định chính xác được

Câu chuyện về ngày chúa giáng sinh.


Câu truyện về ngày sinh của Chúa Jesus có tên bằng tiếng Anh là Nativity. Chúa Jesus do Đức Mẹ Đồng Trinh tự nhiên mang thai mà sinh ra. Sự thụ-thai này do quyền lực thần-diệu của Thượng Đế tạo ra trong khi bà Mary còn đồng-trinh. Chúa Jesus được sinh ra trong một chuồng ngựa (stable) tại Bethlehem và được đặt trong máng cỏ (manger) vì lúc đó trong nhà trọ (inn) không còn một phòng trống nào.

Sau đó, Chúa Jesus được Đức Mẹ Mary và chồng của bà là Joseph nuôi nấng tại Nazareth, một thành phố ở phía bắc Israel. Khi được 12 tuổi, Chúa Jesus đến giáo đường ở Jerusalem và đã làm kinh ngạc các giáo sư về môn Mosaic Law với sự hiểu biết của ngài.

Khi lớn lên, Chúa Jesus chọn được 12 người Tông-Đồ cùng ngài đi khắp nơi ở Palistine để giảng đạo, chữa bệnh, và thực hiện các phép lạ. Một trong những phép lạ đó là phép “Loaves and Fishes”(những ổ bánh mì và những con cá). Chuyện phép lạ này được người ta truyền lại là khi Chúa Jesus thuyết giảng ở một đám đông trong lúc họ rất đói, người ta chỉ tìm thấy 5 ổ bánh mì và 2 con cá. Thế mà nhờ Chúa Jesus làm phép trên 5 ổ bánh mì và 2 con cá này rồi ra lệnh cho các đệ tử của ngài phân phát đồ ăn cho tất cả mọi người. Sau khi mọi người được phát đầy đủ đồ ăn và ăn một cách no nê, người ta thấy 12 chậu đồ ăn vẫn còn đầy.

Nhờ việc đi rao giảng lời của Thượng Đế, ngài đã có rất nhiều tín đồ và đồng thời cũng có nhiều kẻ thù. Cuối cùng, Chúa Jesus bị tên Judas Iscariot phản bội, bị Pontius Pilate người lãnh đạo dân Do Thái lúc bấy giờ kết án, và bị chính quyền La Mã đóng đinh trên thập tự giá. Những người Thiên Chúa giáo tin là ngài đã cải tử hoàn sinh và sự phục sinh này đã cứu vớt được bao linh hồn.

Theo những tài liệu liên quan tới ngày sinh nhật của Chúa Jesus, người ta thấy Chúa Jesus không phải sinh vào ngày 25 tháng 12 mà có thể vào tháng 4 hay tháng 5 và có lẽ trước đó 3 năm, tức là cách đây (2011) là 2014 năm. Tây lịch được tính theo năm đầu tiên sau khi Chúa sinh ra đời. Theo niên giám La Mã, Lễ Giáng Sinh đầu tiên được tổ chức ở La Mã vào năm 336 Tây Lịch Kỷ Nguyên. Tuy nhiên, ở miền đông đế quốc La Mã, một buổi lễ được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng để kỷ niệm chung cho ngày sinh nhật và ngày rửa của Chúa Jesus. Cũng vào ngày 6 tháng giêng này ở Jerusalem thuộc Do Thái (Israel) người ta chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Chúa mà thôi.

Mãi vào thế kỷ thứ IV, hầu hết các nhà thờ ở miền đông đế quốc La Mã mới chấp nhận tổ chức sinh nhật Chúa Jesus Christ vào ngày 25 tháng 12. Trong lúc ấy ở Jerusalem, người ta vẫn chống đối việc tổ chức Lễ Giáng Sinh. Nhưng về sau này, Lễ Giáng Sinh lại được chấp nhận ở Jerusalem. Các nhà thờ ở nước Armenia, một nước ở Tây Á, đã không chấp nhận Lễ Giáng Sinh. Họ tổ chức ngày sinh nhật của Chúa vào 6 tháng giêng. Sau khi Lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12, được thiết lập ở miền đông đế quốc La Mã, ngày kỷ niệm lễ rửa tội của Chúa được tổ chức vào 6 tháng giêng, ngày mà ba vị thông thái (Magus) từ miền đông đế quốc La Mã đến Bethlehem để chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng.

Những tục lệ cổ truyền về Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ sự trùng hợp ngày sinh của Chúa với những ngày lễ kỷ niệm về nông tang và mặt trời vào mùa đông (Winter Solstice) của những người không theo đạo Thiên Chúa.
Ở La Mã, ngày 17 tháng 12 là ngày lễ Saturnalia để kỷ niệm thần Saturn. Đây là thời gian ăn chơi tưng bừng nhất và là dịp để mọi người trao đổi quà kỷ niệm. Ngày 25 tháng 12 cũng được coi là ngày sinh nhật của Thần Mithra, Thần Toàn Chân Thái Dương, thuộc xứ Ba Tư. Năm mới của người La Mã là ngày 1 tháng giêng dương lịch. Vào những dịp này người ta trang hoàng nhà cửa bằng cây lá xanh tươi và hoa đèn rực rỡ. Trẻ con và người nghèo được trao quà tặng.

Lửa, đèn, và nến là vật tượng trưng của sự ấm cúng và sự sống, nó luôn luôn liên hệ với các lễ lạc vào mùa đông của cả những người theo đạo Thiên Chúa và các đạo khác. Từ thời trung cổ, cây thông, một loại cây vạn niên thanh, là biểu hiệu cho sự sống và luôn luôn liên hệ với Lễ Giáng Sinh.

Tại sao lại có tục lệ treo tất (vớ) ,giầy?

sự tích về tục này là một lần thánh Nicholas đến Ai Cập. Ông ở nhà một người đàn ông nghèo khó đến mức họ không thể nào có được một chút tiền làm đám cưới cho ba cô con gái. Tuy nghèo vậy nhưng gia đình họ vẫn tiếp đãi thánh Nicholas rất chu đáo. Trước hôm đi, thấy ba người con gái ngủ, để những chiếc tất của mình bên lò sưởi cho khô, thánh Nicholas mới để lại ba túi quà vào những chiếc tất đó. Và tập tục trẻ em treo tất ở chân giường chờ những món quà từ ông già Noel - đại diện của thánh Nicholas bắt nguồn từ đó.


 



 

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Giấc mơ ngày!



Bin leo lên chiếc Spacy của mẹ, hí hửng khoe: - Cô giáo treo tranh Bin lên tường.
- Cưng mẹ vẽ gì?
- Nhà bố ở quê. Có cây cau, đụn rơm, gà mẹ dẫn con đi kiếm ăn, con mèo nằm sưởi nắng, cu Mót ngồi chơi.
- Ai bảo thế?
- Ông nội - mẹ cau mặt, lảng qua chuyện khác:
- Bin thích mẹ thưởng gì?
- Thuốc lào.
- Gì cơ? - mẹ sửng sốt.
- Thuốc lào để Bin thưởng ông nội.

Xe dừng trước cổng, Bin chạy vào réo: - Ông ơi! Cháu được cô giáo treo tranh lên tường. Tranh vẽ nhà bố ở quê đấy!

Nó tìm ông khắp nơi nhưng không thấy. Thường ông đợi nó từ ngõ cơ mà!
- Ông đâu? - nó hỏi chị Hai. Chị im lặng.
- Gối này của ông - cu Bin cúi nhặt chiếc gối trong đống đồ chị Hai đang dồn đống trước phòng. Lạ chưa, phòng ông dọn sạch đồ đạc, xịt mùi nước hoa thơm lừng đuổi mùi thuốc lào quen thuộc.
- Ông đâu mẹ?
- Ông ốm đi bệnh viện.
- Chở Bin vào thăm ông.
- Vào đó bác sĩ chích!
- Thế Bin chơi với ai? - Bin mếu máo.
- Bin chơi với con robot mẹ mới mua. Đẹp lắm!

Bố đi làm về, Bin níu áo:

- Bố biết ông đâu không?
- Ông về quê.
Ngẫm nghĩ, Bin bảo: “Ông đi tìm cu Mót”.
Bin đếm một mạch từ một đến trăm.
- Ai bày Bin thế?
- Ông.
Bin đọc: “Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
- Ai dạy Bin thế ? - mẹ ngạc nhiên.
- Ông.
Bin vẽ một bức tranh trong đó ông nắm tay cu Mót. Vẽ xong, Bin bảo: “Ông ra đi! Bin đã tìm cu Mót cho ông rồi kìa!”.
Ông và Bin đều ham coi tivi nhưng ông thích cải lương, Bin thích hoạt hình. Chiều nay đang coi hoạt hình, Bin đứng dậy nhìn ra cổng gọi lớn: “Ông về đi! Bin nhường ông coi cải lương đấy”.

Bin ngủ nhưng bố mẹ và đêm thao thức.


Mẹ hỏi: “Cu Mót là ai mà con nhắc hoài vậy?”. Giọng bố đều đều như tiếng mưa rơi từ dĩ vãng:

“Cu Mót ra đời trong đói khổ. Ăn củ khoai, hạt lúa mót mà tượng hình nên đặt là cu Mót. Nghèo mà sáng dạ. Nghe gì là nhớ. Nhìn qua là biết. Thấy con thông minh, bố mẹ quyết cho học chữ. Mùa đông cha cõng đi học. Mùa nước nổi, mẹ đẩy thúng qua mương. Có gì các chị cũng nhường. Ai cũng làm gấp đôi để dồn sức cho cu Mót học. Học hết trường làng, qua trường huyện, lên thành phố... Học hết mồ hôi nước mắt, tiền của cha mẹ rồi đi làm, lấy vợ và xù!” - bố chua chát.
- Anh kể... ai thế?
“Cu Mót lấy vợ giàu. Vợ thích cái gì cũng sang, sạch, hiện đại. Ông bố chồng như cái bát sành sứt cũ kỹ muốn quẳng cho khuất mắt... - giọng anh vút cao nhọn hoắt như đâm kim vào lòng rồi trầm lặng như đá chặn ngực - Mai tôi đem cu Mót về cho bố. Tôi không muốn thằng Bin lớn lên lại thành cu Mót đi lạc và tôi lại đi tìm nó như cha”...

Ngày đông có nắng ốm. Bát sành sứt, bình vôi mẻ chụm lại trên băng đá hong nỗi buồn. Cái mốc meo. Cái phai nhạt. Cái còn tươi rói. Họ giống nhau ở đôi mắt mờ đục mà cái nhìn hong hóng như trẻ thơ, đậu ở cổng ngóng phép lạ. Phép lạ hiếm mà niềm đau thì khối! Mỗi niềm chạm tay vào cổng để lại một vệt thế là dày cộm, mở ra, khép lại đều rướm máu. Nỗi buồn của Thi cán bộ choáng một vạt sân. Lão ở đây đã bảy mùa lá rụng. Có năm người con thành đạt ở nhiều ngành. Các con dỗ cha bán nhà chia vàng, thay phiên phụng dưỡng cha.


Được đôi năm xem cha như cục nợ, đùn đẩy, gây gổ, chửi mắng. Cuối cùng không chịu nổi cảnh ấy, lão đi lang thang rồi vào trung tâm nuôi dưỡng người già. Lão nói năng, kể chuyện hay nhất đám, lại từng làm cán bộ, có con cán bộ nên gọi là Thi cán bộ. Lão có ý định góp nhặt những thước phim buồn của 300 bi kịch nhờ ai đó chấp bút thành quyển Tam bách bất hiếu thời hiện đại.


Ông lão mới vào không kể gì ngoài chuyện thằng cháu. Dường như lão ở đây mà quả tim móc để đằng cháu, dõi theo từng giờ. Giờ này cháu tôi đi học về. Giờ này có phim hoạt hình. Giờ này cháu tôi ăn cơm. Nó biết chan canh cho tôi vì tay tôi run làm canh đổ... Đôi mắt tèm nhẹp hấp háy của lão lưng rưng lướm rướm khi nhắc cháu. Riết rồi cháu lão thành cháu cả nhóm. Lão rỉ rả kể, bình sứt bát mẻ gật gù nghe. Chuyện nó đòi mẹ đẻ con bồ câu. Chuyện hai ông cháu lén nuôi con mèo...


Phép lạ hiện ra ở cổng khi ba người xuất hiện. Thi cán bộ gào to: “Con cháu ai vào thăm kìa!”.


Nghe chữ cháu, ông lão như có điện xẹt qua tim. Ông nhìn ra và không tin ở mắt mình.


Thằng Bin chạy trước, vừa chạy vừa réo: “Ông nội ơi, Bin tới đón ông nội về!”. “Cu Mót” theo sau. Sau nữa... vợ thằng cu Mót!

Ông lão nhắm mắt lại. Phải chăng đây là giấc mơ ngày?
“Mở mắt ra ông! Bin nè?”.

Ông lão mở mắt ôm chầm lấy cháu vừa cười vừa mếu: “Lớn mà khóc cô giáo không cho phiếu bé ngoan đấy!”. Rồi nhìn quanh, Bin nhận xét: “Trường ông nhiều ông, còn trường cháu nhiều cháu”.


Quay qua những bạn già đang nhìn cảnh ấy với đôi mắt mừng lẫn tủi, ông lão giới thiệu: “Đây là cu Bin!”. Cu Bin dễ thương đến nỗi ai cũng muốn sờ đôi má mịn như nhung, nhìn vào đôi mắt trong veo như giếng và nghe tiếng bi bô nói cười khua động chốn lạnh lẽo buồn thiu. Đang đầu đông mà vui như tết. Cả ông giám đốc cũng bảo mấy mươi năm rồi mới có cảnh vui thế này!


Cũng đã lâu lắm rồi, cánh cổng trung tâm mở ra, khép lại mà không rướm máu...

(ST)

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Câu chuyện tình yêu



Ông cố của tôi, ông Rabbi Chaim là một người nổi tiếng thông minh xuất chúng. Vào thời ông, thanh niên lập gia đình rất sớm, nên khi ông vừa bước qua tuổi thiếu niên, bố mẹ ông đã tìm kiếm, mối mai để có được một đám ưng ý nhất.

Mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng khi ấy ông tôi đã nổi tiếng như một thần đồng trong vùng, nên có nhiều gia đình rất muốn gả con gái cho ông.


Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Ông Chaim được sinh ra với một khuyết tật. Hai chân ông không đều nhau, nên ông phải đi khập khiễng. Đó là một khuyết tật không đáng kể, nhưng với những cô gái ở tuổi thiếu niên thì lại là một điều không dễ chấp nhận, dù cho tính tình cũng như tài năng của ông là khó ai sánh bằng.


Trong làng, ông để ý đến một cô gái trẻ. Gia đình của ông đã đánh tiếng thăm hỏi gia đình cô ấy, nhưng chỉ nhận được lời từ chối. Lần này, ông không thể chịu thua. Ông xin gặp mặt cô gái ấy cho bằng được.


- Em biết không, - ông nhẹ nhàng nói với cô gái trong lần gặp được sắp xếp giữa hai người. - Trước khi trẻ con được sinh ra đời 40 ngày, Thượng Đế đã quyết định người mà đứa trẻ đó sẽ cưới sau này!


- Vâng - cô gái đáp nhỏ nhẹ.


- Trước khi anh được sinh ra, anh đã hỏi Thượng Đế người anh sẽ lấy làm vợ sau này, và ngài đã chỉ cho anh thấy em. Vừa khi gặp em, trái tim anh đã đem lòng yêu thương, bởi em là người con gái nổi bật nhất trên đời vì vẻ đẹp bên ngoài cũng như nội tâm. Thế nhưng em lại có một khiếm khuyết nhỏ.


- Thật thế sao? Đó là khiếm khuyết gì thế? - Câu chuyện của ông đã khiến cô gái cảm thấy hiếu kỳ.


- Em phải đi khập khiễng. Em sinh ra với hai chân không đều nhau, nên không thể đi thẳng như mọi người được. Anh cảm thấy vô cùng đau khổ vì một cô gái xinh đẹp, đáng yêu như em lại phải chịu số phận như vậy. Anh biết điều đó với một cô gái thì quan trọng hơn một người con trai rất nhiều, nên anh đã cầu xin Thượng Đế rằng hãy để anh chịu khuyết tật đó thay cho người mà anh yêu thương, và Ngài đã đồng ý.


Cô gái im lặng xúc động nhìn Rabbi Chaim. Cuộc gặp gỡ kết thúc ở đó mà không ai nói thêm một lời nào. Thế nhưng tối hôm đó, cô gái đã đến gặp cha mình và nói rằng cô đã thay đổi quyết định. Cô sẵn sàng kết hôn cùng Rabbi Chaim.



Hoa Phượng
Điều kỳ diệu tình yêu – First News & NXB Tổng hợp TPHCM

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Có cánh chuồn nào trên vai em không?

Yêu một người không nhất định là phải có được họ. Nhưng đã có được một người thì hãy cố yêu lấy họ. Có cánh chuồn nào trên vai bạn không?

Thành phố nhỏ yên tĩnh và xinh đẹp, hai người yêu đắm say, mỗi bình minh đều đến bờ biển ngắm mặt trời mọc, và mỗi chiều đi tiễn bóng tà dương ở bãi cát. Dường như những ai đã gặp đôi tình nhân đều nhìn theo với ánh mắt ngưỡng mộ.
Một ngày, sau vụ đâm xe, cô gái trọng thương im lìm nằm lại trên chiếc giường bệnh viện, mấy ngày đêm không tỉnh lại.
Buổi sáng, chàng trai ngồi bên giường tuyệt vọng gọi tên người yêu đang vô tri vô giác; đêm xuống, chàng trai tới quỳ trong giáo đường nhỏ của thành phố, ngước lên thượng đế cầu xin, mắt không còn lệ để khóc than.
Một tháng trôi qua, người con gái vẫn im lìm, người con trai đã tan nát trái tim từ lâu, nhưng anh vẫn cố gắng và cầu xin hy vọng. Cũng có một ngày, thượng đế động lòng.

Thượng đế cho chàng trai đang gắng gượng một cơ hội. Ngài hỏi: "Con có bằng lòng dùng sinh mệnh của con để đánh đổi không?" Chàng trai không chần chừ vội đáp: "Con bằng lòng"
Thượng đế nói: "Ta có thể cho người con yêu tỉnh dậy, nhưng con phải đánh đổi ba năm hoá chuồn chuồn, con bằng lòng không?" Không chần chừ chàng trai vội đáp: "Con bằng lòng"
Buổi sáng, cánh chuồn rời Thượng đế bay vội vã tới bệnh viện, như mọi buổi sáng. Và cô gái đã tỉnh dậy!
Chuồn chuồn không phải người, chuồn chuồn không nghe thấy người yêu đang nói gì với vị bác sĩ đứng bên giường.
Khi người con gái rời bệnh viện, cô rất buồn bã. Cô gái đi khắp nơi hỏi về người cô yêu, không ai biết anh ấy đã bỏ đi đâu.
Cô ấy đi tìm rất lâu, khi cánh chuồn kia không bao giờ rời cô, luôn bay lượn bên người yêu, chỉ có điều chuồn chuồn không phải là người, chuồn chuồn không biết nói. Và cánh chuồn là người yêu ở trước mắt người yêu nhưng không được nhận ra.
Mùa hạ đã trôi qua, mùa thu, gió lạnh thổi những chiếc lá cây lìa cành, cánh chuồn không thể không ra đi. Vì thế cánh rơi cuối cùng của chuồn chuồn là trên vai người con gái.
Tôi muốn dùng đôi cánh mỏng manh vuốt ve khuôn mặt em, muốn dùng môi khô hôn lên trán em, nhưng thân xác quá nhẹ mỏng của chuồn chuồn cuối cùng vẫn không bị người con gái nhận ra.
Chớp mắt, mùa xuân đã tới, cánh chuồn cuống cuồng bay trở lại thành phố tìm người yêu. Nhưng dáng dấp thân quen của cô đã tựa vào bên một người con trai mạnh mẽ khôi ngô, cánh chuồn đau đớn rơi xuống, rất nhanh từ lưng chừng trời.
Ai cũng biết sau tai nạn người con gái bệnh nghiêm trọng thế nào, chàng bác sĩ tốt và đáng yêu ra sao, tình yêu của họ đến tự nhiên như thế nào, và ai cũng biết người con gái đã vui trở lại như những ngày xưa.
Cánh chuồn chuồn đau tới thấu tâm can, những ngày sau, chuồn chuồn vẫn nhìn thấy chàng bác sĩ kia dắt người con gái mình yêu ra bể xem mặt trời lên, chiều xuống đến bờ biển xem tà dương, và cánh chuồn chỉ có thể thỉnh thoảng tới đậu trên vai người yêu, chuồn chuồn không thể làm gì hơn.
Những thủ thỉ đắm say, những tiếng cười hạnh phúc của người con gái làm chuồn chuồn ngạt thở.
Mùa hạ thứ ba, chuồn chuồn đã không còn thường đến thăm người con gái chàng yêu nữa. Vì trên vai cô ấy luôn là tay chàng bác sĩ ôm chặt, trên gương mặt cô là cái hôn tha thiết của anh ta, người con gái không có thời gian để tâm đến một cánh chuồn đau thương, cũng không còn thời gian để ngoái về quá khứ.
Ba năm của Thượng đế sắp chấm dứt. Trong ngày cuối, người yêu ngày xưa của chuồn chuồn bước đến trong lễ thành hôn với chàng bác sĩ.
Cánh chuồn chuồn lặng lẽ bay vào trong nhà thờ, đậu lên vai người mà anh yêu, chàng biết người con gái anh yêu đang quỳ trước Thượng đế và nói : "Con bằng lòng!". Chàng thấy người bác sĩ lồng chiếc nhẫn vào tay người con gái. Họ hôn nhau say đắm ngọt ngào. Chuồn chuồn để rơi xuống đất một hạt lệ đau đớn.
Thượng đế hỏi: "Con đã hối hận rồi sao?" Chuồn chuồn gạt hạt lệ nói: "Con không!"
Thượng đế hài lòng nói: "Nếu vậy, từ ngày mai con có thể trở thành người được rồi!"
Chuồn chuồn soi vào hạt nước mắt nhỏ, chàng lắc đầu đáp: " Hãy để con cứ làm chuồn chuồn suốt đời..."
Yêu một người không nhất định là phải có được họ. Nhưng đã có được một người thì hãy cố yêu lấy họ. Có cánh chuồn nào trên vai bạn không?

Và nếu bạn nhận được bài dịch này, chứng tỏ đang có một người nào đó yêu bạn, hoặc bởi vì bạn đang yêu quý một ai đó ở bên.
“Chúng ta còn lại gì, chỉ rớt lại hai giọt nước mắt hoá thành băng!”
– Trang Hạ -